Một iOS “cù lần”, có phần chậm chạp lại sở hữu nhiều tính năng và thế mạnh mà Android “linh hoạt và siêu đẳng” khó có thể chạm tới được.
Thế mạnh của iPhone nằm ở phần mềm thân thiện và tính tương thích tuyệt đối
1. iMessage
Không quá ngạc nhiên khi iMessage dẫn đầu danh sách những tính năng iOS làm người dùng Android thèm muốn nhất. iMessage thường là lý do khiến người dùng Android quyết định “dứt áo ra đi” chuyển sang iOS cũng như tính năng giữ chân mọi người dùng iOS, khiến họ bỏ qua mọi thế mạnh của nền tảng mã nguồn mở Android.
Ứng dụng iMessage được tích hợp sâu vào hệ điều hành của Apple và nó hoạt động tốt tới mức bạn không cần phải để tâm tới nó, chỉ cần gửi tin nhắn, và iPhone sẽ tự động chuyển tin nhắn SMS thành iMessage nếu người dùng iOS đầu dây bên kia đang bật dữ liệu internet.
iMessage hoạt động ổn định cũng như hỗ trợ nhiều tính năng hơn bất kỳ dịch vụ nhắn tin miễn phí nào bạn có thể thấy trên Android, cũng như iMessage bỏ xa Hangouts lẫn nỗ lực gần đây của Google có tên Allo một khoảng cách có thể coi là vài năm phát triển. Bạn có thể tung hô từng dòng chat với bóng bay tràn ngập màn hình, pháo hoa, hay sử dụng các hiệu ứng vui mắt như thì thầm và “slam”. Đó là chưa kể đến mực tàng hình giúp bạn tránh khỏi những kẻ ngó nghiêng khó ưa luôn muốn đọc trộm tin nhắn của bạn.
2. Airdrop
Hẳn mọi người dùng Android đều tự hào về khả năng chia sẻ mạnh mẽ, linh hoạt và bất tận của hệ điều hành đến từ Google. iOS, với bản chất mã nguồn đóng, rất nghiêm ngặt trong việc chia sẻ dữ liệu. Nhưng ít ai biết rằng, iOS không làm được nhiều thứ, nhưng thứ gì làm được, nó thực hiện một cách xuất sắc. Airdrop là một trong số những ví dụ tiêu biểu.
Nếu bạn chưa biết, thì Airdrop là tính năng chia sẻ dữ liệu giữa những người dùng iOS với nhau, về cơ bản là cho phép bạn truyền tải dữ liệu qua lại một cách liền mạch giữa các thiết bị của Apple với nhau qua sóng Bluetooth. Vậy nên nếu bạn cần chia sẻ một file dữ liệu dung lượng lớn như ảnh từ iPhone lên MacBook, Airdrop là lựa chọn hàng đầu của bạn. Hơn thế nữa, với lượng người dùng iOS khổng lồ, khả năng rất lớn là bạn bè và người thân của bạn cũng dùng iPhone, khiến Airdrop càng trở nên hữu ích nhất là khi chia sẻ trên iOS rất nghiêm ngặt.
3. Handoff
Ý tưởng ban đầu của Handoff là bạn có thể bắt đầu công việc trên một thiết bị, tiếp tục làm trên một thiết bị khác và kết thúc công việc bằng một thiết bị khác nữa. Nếu bạn mắc kẹt trong một buổi họp và đang soạn dở email trên điện thoại, bạn có thể tiếp tục email đó ngay trên MacBook của mình và bạn sẽ không mất bất cứ thứ gì, mọi thứ đều được tự động copy sang MacBook của bạn và sau đó về nhà bạn có thể hoàn tất email đó và gửi đi trên iPad của mình. Đây là một trải nghiệm hoàn toàn liền mạch, tính tương thích cực cao giữa các thiết bị Apple mang đến cho người dùng cảm giác sử dụng thoải mái và khiến cuộc sống trở nên thông minh, dễ dàng hơn.
Handoff hoạt động với hầu hết các ứng dụng riêng của Apple như Mail, Safari, Calendar, Keynote và một số ứng dụng bên thứ ba khác. Hãy tưởng tượng bạn đang duyệt web bằng Chrome trên MacBook, sau đó bạn nhấc iPhone lên và có thể tiếp tục công việc ngay trên điện thoại chỉ bằng 1 cú vuốt nhẹ.
4. Apple Pay
Samsung có thể là nhà sản xuất đưa ra giải pháp thanh toán bằng điện thoại tiện dụng và nhanh nhất, nhưng dù sao thì bên cạnh Samsung cũng còn rất nhiều nhà sản xuất Android khác và họ (tất nhiên) đều không được sử dụng công nghệ Samsung Pay của Samsung. Giải pháp mang tên Android Pay tỏ ra quá kém cỏi cả về tính năng lẫn tầm phủ sóng so với Apple Pay của “Táo khuyết”. Ngoài sử dụng để thanh toán tại cửa hàng chỉ bàng một cú chạm lên TouchID, Apple Pay còn hoạt động với những giao dịch mua bán online. Android Pay cũng có thể làm điều tương tự, tuy nhiên Apple đã rất nhanh chóng triển khai hợp tác để tích hợp Apple Pay với rất nhiều đối tác thương hiệu, cũng như kho ứng dụng App Store chứa nhiều ứng dụng hơn hẳn Play Store.
Lợi ích cuối cùng của Apple Pay, đặc biệt khi bạn dùng MacBook, bạn có thể dùng một tài khoản trên mọi thiết bị. Bạn có thể dùng MacBook để chấp thuận các giao dịch qua Touch ID tích hợp trên MacBook mới, hoặc Touch ID trên iPad cũng vậy. Một lần nữa, sự liền mạch về tính năng một cách “thần thánh” mà Android, vốn dĩ phân mảnh quá nhiều, khó có thể chạm tới được.
5. Cập nhật liên tục và lâu dài
Bạn có nhận thấy chiếc Samsung Galaxy S8 của mình khi sắp sửa sang tháng 8 rồi, mới nhận được bản vá bảo mật của tháng 7 không? Đó chính là sự phân mảnh do Android vô tình tạo ra khi nó cho phép quá nhiều nhà sản xuất can thiệp vào sâu trong hệ thống. Bản thân Android gốc cập nhật rất nhanh, nhưng phần lớn chúng ta không dùng điện thoại chạy Android gốc, khi mà những HTC, LG và Samsung liên tục tung ra những mẫu thiết bị đẹp mắt cùng camera tuyệt đỉnh nhằm thu hút người dùng. Các nhà sản xuất này tốn rất nhiều thời gian để tung ra bản cập nhật tới các thiết bị của mình, và đối tượng cuối cùng chịu thiết là người sử dụng.
iOS thì khác, bạn nhận được cập nhật ngay khi Apple phát hành bản cập nhật, không quan trọng bạn dùng iPhone 5s hay iPhone 7 Plus, mọi người đều nhận được cập nhật, không ai phải chờ đợi thêm bất cứ giây phút nào.
Chưa hết, chiếc iPhone 5S ra mắt từ năm 2013 đến nay vẫn tiếp tục được nhận cập nhật lên hệ điều hành iOS mới nhất. Đây từ lâu vẫn là thế mạnh của Apple, cho thấy cam kết của mình về hỗ trợ phần mềm tối đa có thể cho khách hàng, đảm bảo người dùng luôn được tận hưởng các chức năng thú vị nhất cũng như các tính năng bảo mật hiện đại nhất.
Điện thoại Android, mang lại cho người dùng sự tự do và nhiều tính năng chia sẻ không bó buộc, nhưng đổi lại bằng sự thiếu ổn định, phân mảnh mà hầu hết là do các nhà sản xuất gây ra cho thiết bị.
Apple từ lâu đã xác định tôn chỉ của mình: Không làm được nhiều, nhưng làm xuất sắc. Thật vậy, mọi thiết bị của nhà Táo hoạt động với nhau một cách hoàn hảo, tương trợ lẫn nhau giúp bạn hoàn thành công việc nhanh và thuận tiện nhất có thể, tạo nên một hệ sinh thái liên mạch cho người dùng trải nghiệm hoàn thiện về một thế giới số thông minh.